Kinh nghiệm tự học giao tiếp tiếng Anh với Effortless English

Mình đã học tiếng Anh theo phương pháp Effortless English khá lâu rồi. Mình bắt đầu từ giữa năm lớp 9. Các bạn ai chưa biết thì hãy tìm hiểu phương pháp này. Cách học của nó giống như là cách học của con nít bắt đầu học nói thôi. Y chang cái hồi bạn còn nhỏ ba mẹ bạn tập nói cho bạn hay là bạn dạy nói cho mấy đứa em vậy. Phương pháp này rất tốt. Tuy nhiên, nếu bạn muốn thành công, thì không những bạn phải học hỏi cách mà người khác thành công cũng như cách mà người ta thất bại.


Bài viết chia sẻ câu chuyện chân thực về hành trình học tiếng Anh với phương pháp Effortless English của bạn Hoài Thương. Mọi trích đoạn vui lòng giữ nguyên nội dung và nguồn bài viết bên dưới:

CÂU CHUYỆN HỌC TIẾNG ANH CỦA TÔI...

Xin chào các bạn. Mình là Thương, sinh năm 1996. Mình nhớ hồi nhỏ, lúc mình lớp 4, xem chương trình “Rung chuông vàng” thì có một câu hỏi tiếng Anh. Lúc đó  mình chỉ vào màn hình và nói với mẹ: “Sau này con sẽ nói tiếng Anh được như thế này”.

Chắc nó cũng tác động tích cực đến việc học tiếng Anh của mình. Năm lớp 6 mình bắt đầu học tiếng Anh. Thực sự mình rất say mê với môn này. Không chỉ học ngữ pháp như các bạn trong lớp, về nhà mình dành phần lớn thời gian để đọc và nghe tiếng Anh trong sách giáo khoa. Mình có mua một cái đĩa phần mềm tiếng Anh dành cho chương trình học trong sách. Lúc đó nhà mình chưa có máy tính nên chỉ nghe trên đầu đĩa thôi. Lên lớp 8 mới biết cài đặt chương trình vào máy. Thấy nó rất hữu ích. Ngày nào cũng nghe, cũng đọc theo, lải nhải theo những gì nghe được đến nỗi mình thuộc gần hết các bài đọc trong SGK. Nên hồi đó tiếng Anh của mình điểm rất cao, chỉ trên 9 phết thôi...

Effortless English
Hình ảnh mang tính chất minh họa cho bài viết, không phải ảnh của nhân vật. Nguồn ảnh: internet

Mình còn tự dạy lại cho bản thân các bài ngữ pháp mà cô dạy. Nên vô phòng thi chả cần nhớ lại nhiều ngữ pháp mà mọi thứ đều tự động hết, đọc thấy đúng là khoanh. Làm bài cỡ 10′ là được 9,10 điểm rồi :D. Mình cũng thắc mắc tại sao các bạn xung quanh lại điểm thấp thế, chắc do họ quá lười không chịu đầu tư cho môn học này. Thôi kệ. Mà mình rất lười phải học thêm từ vựng bên ngoài (đọc mấy bài báo kêu muốn nâng cao tiếng Anh thì ngày học mấy chục từ vựng đó) do mình thấy không hiệu quả cho lắm. Vì học kiểu đó thì được bao lâu thì quên do không sử dụng nhiều. Không những vậy mà mình lại không biết cách dùng. Vậy rất nản.

Một lần mình đọc bài viết trên báo gì đó quên tên rồi (báo đó là hồi cấp 2 trường bắt mỗi lớp phải mua) nói về việc học ngoại ngữ trong vòng 3 hay 6 tháng gì đó mà chỉ sử dụng phương pháp nghe. Thấy cũng hay hay. Cuối cùng đến năm lớp 9 mình thi học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp thành phố. Tất nhiên là rớt. Vì nghe mấy bạn trên thành phố giờ này là đọc báo bằng tiếng Anh luôn rồi. Thế là mình muốn tìm coi có cách học tiếng Anh nào hay ho hơn không. Chứ học kiểu này, nhất là học thuộc từ vựng, thì không biết khi nào mới lên nổi.

Rồi mình lên Google hỏi về phương pháp học tiếng Anh, mình tìm ra “Effortless English” của thầy AJ Hoge.

Các bạn ai chưa biết thì hãy tìm hiểu phương pháp này. Cách học của nó giống như là cách học của con nít bắt đầu học nói thôi. Y chang cái hồi bạn còn nhỏ ba mẹ bạn tập nói cho bạn hay là bạn dạy nói cho mấy đứa em vậy. Phương pháp này rất tốt. Nhưng bạn phải thật tập trung và kiên trì. Cái này là việc học của bạn nên do bạn tự giác thôi. Sẽ không ai hối thúc bạn cả. Muốn thành tài thì phải chịu khó bỏ công sức ra. Khi trình độ nghe của bạn đã kha khá rồi thì các bạn có thể nghe thêm các nguồn bên ngoài để mở rộng thêm kiến thức và tăng thêm hứng thú học. Do ngày trước mình lười, nên kết quả không tốt lắm. Còn giờ khi đã xác định được đây là đam mê của mình rồi, mình có động lực học hơn hẳn, học đàng hoàng hơn nhiều.

Hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn những cảm nhận và kinh nghiệm của mình về phương pháp học này, hi vọng các bạn sẽ có thêm những bài học cho bản thân để có được thành công khi học tiếng Anh với Effortless English và thầy AJ Hoge. 


PHẦN 1: CẢM NHẬN CỦA MÌNH VỀ PHƯƠNG PHÁP EFFORTLESS ENGLISH

Mình đã theo phương pháp này khá lâu rồi. Mình bắt đầu từ giữa năm lớp 9. Thời điểm này thì mình sắp trở thành sinh viên năm 2 đại học rồi.

Trong mấy năm đó mình đã đi qua được hết 3 khóa: Original English, Real English, và Success Business Lessons. Ngần ấy thời gian, cũng có những lúc mình bị mất 1 quãng thời gian khá dài không học được hoặc để ôn lại những gì đã học. Hơn 4 năm trời. Dài. Nhưng cũng không phải là vô ích. Mình xin nói về một số điều mình đã đạt được và một số đau thương đã trải qua trong thời gian đó. Sau đó là một số kinh nghiệm của bản thân mình.

Nếu bạn muốn thành công, thì không những bạn phải học hỏi cách mà người khác thành công cũng như cách mà người ta thất bại. Đây chỉ là cảm nhận riêng của bản thân mình thôi, có thể phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người khác. Nhưng các bạn có thể đọc để tham khảo rồi tìm ra cách của bản thân.

 

Original English

Các bạn chắc đã tìm hiểu qua phương pháp này, nguyên tắc cũng như cách học của nó. Về khóa 1 thì 2 level đầu khá thú vị, xoay quanh các chủ đề trong cuộc sống. Các bài học được đọc khá chậm, tạo cho các bạn trình độ nghe trình độ thấp dễ theo kịp hơn và nghe rõ cách phát âm; còn đối với các bạn khá hơn thì có thể hơi chán và một số bài Mini Story khá dài, nhưng đây là cách giúp các bạn tập phản xạ với tiếng Anh, nhất là tránh việc nghĩ về ngữ pháp vì các câu trả lời rất dễ. Còn sang level 3, mình thật sự khá chật vật với nó. Các bài đọc khó, nhiều từ mới, khá chuyên môn. Mỗi bài mình phải tra từ điển mấy chục từ nhưng vẫn không hiểu hết được. Nhiều lúc rất đau đầu.

Original Effortless English
The Original Effortless English - Khóa luyện phản xạ tiếng Anh tự động. (LearningEffortlessEnglish.Com)

Nhưng mini story và POV được ghép từ 1 số từ trong bài đọc thành một câu chuyện nghe khá ngờ nghệch, nhảm đôi khi hài. Nhưng những chuyện như vậy sẽ giúp các bạn có ấn tượng (tốt/xấu) và nhớ lâu hơn. Trong phần vocab, tác giả cũng chỉ giải thích một số từ sẽ đưa vào ministory thôi. Nên nếu các bạn thấy bài đọc khó nuốt thì bỏ qua, chỉ cần chú ý các phần còn lại. Sau này trình độ cao hơn rồi hẵng quay lại sau. Còn level 4 chỉ có vài bài, được trích ra từ một bộ phim. Giọng rất hay, lại khá dễ, hài hước và biết được thêm một vài điều mới. Mình rất thích phần này. Tổng quan về phần 1 thì mình thích ở chỗ các bài đọc khá hay, gần gũi (trừ level 3 thì quá khó), giọng thầy rất hay, nhiều cảm xúc ( tạo nhiều động lực học hơn), mấy câu chuyện còn bưng tên người nổi tiếng vào ( nào Tom Cruise, Julia Roberts, Hillary Clinton…) và câu chuyện nhảm nhảm nên nhớ lâu hơn. Và một điều nữa là không phải phần nào cũng có scripts nên từ nào không biết thì cho qua, có thể rồi sau này bạn sẽ nghe tới từ đó ở đâu đó. Commentary thì mình thấy cũng khá đơn giản, thường dùng mấy từ quen thuộc, nhưng nếu bạn nghe không được 3/4 thì cũng không sao, sau này cảm thấy trình độ mình tăng thì quay lại nghe. Mình thấy phần này khá hay, coi như kiểm tra coi trình độ của bạn đang ở đâu, vừa học tiếng Anh tiếp thu thêm một ý kiến (chủ quan :D)

 

Real English

Qua phần 2, thích nhất là phần audio. Đúng là Real English. Các cuộc hội thoại rất tự nhiên, như nghe phim vậy, Chủ đề là những thứ rất thật xung quanh họ, cuộc sống Mỹ, mình biết thêm được rất nhiều điều. Cuộc hội thoại vô cùng tự nhiên, không hề gượng gạo như mấy cái giáo trình ( giờ nghĩ lại mấy cái mp3 trong giáo trình mình thấy phát ngán). Bạn có thể tiếp thu rất nhiều thành ngữ. Mình đặc biệt thích giọng nữ ( sao mình chỉ thích học theo giọng nữ thôi) nên suốt ngày nhái theo cái giọng đó. Còn về nhược điểm của phần này là những phần còn lại. Mình thật sự chưa thích giọng nam cho lắm (trừ những bài có AJ Hoge). 

learn real english
Learn Real English: Khóa học phản xạ tiếng Anh giao tiếp thực tế với người Bản ngữ. (LearningEffortlessEnglish.Com)

 

Success Business Lessons

Theo thứ tự thì đến phần 3 (Flow English). Nhưng nghe học 2 phần đầu xong thì học cái nào cũng được, tùy theo nhu cầu của mình. Thấy phần 4 thú vị quá nên học trước. Phần 4 là về chủ đề kinh doanh. Tất cả những gì mình nghĩ về bài học này trước khi học vô cùng khác hẳn với những gì trong khóa học. Không phải như các bài học về kinh tế như là lạm phát, thất nghiệp, khủng hoảng kinh tế hay cách bán hàng sao cho lời thật nhiều. Ở đây các bạn sẽ được tiếp xúc với các quan điểm về bài học thành công, tiền bạc hay sự giàu có… Các quan điểm thật sự khác với những gì từ nhỏ tới giờ mình được tiếp xúc. Cũng có một số quan điểm giống của mình một chút :D.  Theo mình AJ đưa các bài học này vào vì chúng cũng gắn bó với thầy trên con đường xây dựng và thành công với EE. Thêm vào đó sẽ có các bài Commentary của thầy nữa, thầy sẽ chia sẻ và giải thích kỹ hơn về kinh nghiệm của mình. Mình thấy rất đáng để học. Có thể bạn sẽ không đồng ý với những quan điểm này, nhưng ít ra bạn có thể tiếp xúc được với những quan điểm mới, ý tưởng mới. Lúc đầu có những quan điểm mình thấy hơi khủng bố. Nhưng khi tìm hiểu về những người thành công ( ở VN của như trên thế giới) thì mình khá là bị thuyết phục. Ở phần 4 thì chủ tọa là AJ từ đầu tới cuối nên vẫn cái phong cách của thầy mà các bạn đã quen rồi.

business english
Business English: Khóa học phản xạ tiếng Anh và tư duy để thành công. (LearningEffortlessEnglish.Com)

Tổng quan thì đây là chương trình rất hay để học. Quan trọng là nó giúp bạn làm quen với nghe tiếng Anh, ngữ điệu và tập phản xạ với tiếng Anh.

 

PHẦN 2: KINH NGHIỆM HỌC EFFORTLESS ENGLISH CỦA MÌNH

Lý do vì sao mình chưa thực sự thành công?.

Lười. Học qua loa. Học cho có. Nhất là phần mini story. Nghe đi nghe lại hơi chán. Nhưng mình hay có cái tật là vừa nghe vừa làm gì đó cũng liên quan tới trí óc ( như là lướt web, đọc báo) nên nghe từ tai này lọt qua tai kia. Trong lúc nghe chỉ ngồi một chỗ, thành ra nghe nhiều quá là bắt đầu mệt, bắt đầu chán. Còn phần POV thì chỉ nghe thôi, rất ít khi tự thuật lại câu chuyện, mà có thì rất hay sơ sài, chả được tích sự gì. Còn mình khá là thất bại ở DVD 2, MS và POV thực sự mình nghe cho có thôi. Có khi nghe mà còn lười trả lời, tâm trí để ở đâu ấy. Cho nên cuối cùng khả năng nói và phản xạ của mình chưa thật sự tốt.

Thứ mình đạt được

Còn giờ mình khoe một số điều mình đạt được với Effortless English. Kỹ năng nghe, nói của mình tốt hơn ( tất nhiên là phải vậy rồi :D). Có lần mình đi buổi hội thảo của ACET về luyện thi IELTS ( nhưng tới giờ vẫn chưa thi) nghe một thầy người Úc nói gần 2 tiếng đồng hồ thì mình hiểu gần hết :>. Còn một lần mình đi phỏng vấn với một thầy người Anh, thì thầy khen mình nói gần được 8 chấm IELTS rồi ( mừng hết sức). Đó là mình chưa áp dụng được triệt để phương pháp, nhưng sau khi tìm hiểu kỹ rồi, cố đừng mắc những lỗi như mình.

Kinh nghiệm của mình

Giờ mình rút ra kinh nghiệm để việc học có hiệu quả hơn. Cách học các bạn đã nắm được hết rồi. Trên mạng nhiều trang đã nói rất kỹ.
 

  • Đầu tiên là quy tắc 1: học theo cụm từ.

Mình sau một thời gian dài học tiếng Anh, mình rất mệt mỏi vì hay quên từ. Mấy tháng trước đọc cuốn sách của thầy thì mới nhận ra là mình quên mất quy tắc 1 :(. Vì khi thầy giải thích từ (trừ một số cụm từ hay thành ngữ) hay các bạn dò từ điển, ta hay bị thiên về việc học từng từ lẻ hơn. Kết quả là từ này thấy quen quen mà không nhớ nó là gì, hay là nhầm từ này với từ khác. Với lại các từ đơn lẻ hay có nhiều nghĩa khác nhau, nhiều lúc dò từ cũng rất vất vả để tìm ra nghĩa đúng ( nhất là dò từ điển Anh-Anh) thì việc học theo cụm từ giúp bạn dễ hiểu hơn, nhớ lâu hơn, đôi khi không giải thích ra rõ nghĩa của cụm đó nhưng mà mình lại hiểu được ý nó nói gì. Những lần sau, cũng là từ đó nhưng đi với cụm khác, thì bạn sẽ hiểu rõ được ý nghĩa của từ đó hơn và cách dùng của nó nữa. Thêm một cái lợi nữa là các cụm từ đi chung với nhau ( hoặc một câu ngắn có chứa từ cần học) thì học được luôn ngữ pháp. Và cái này là cái mình khám phá ra được: khi bạn nghe cụm từ đó do người ta đọc, học sẽ nối âm hay uốn éo từ đó sao cho phù hợp với ngữ cảnh cũng như tâm trạng của họ, bạn sẽ hứng thú hơn và nhớ lâu hơn. Học như vậy nhớ rất dai, đỡ tốn công và nhiều lợi ích khác nữa.

 

  • Quy tắc 2: KHÔNG học ngữ pháp.

Đa số mọi người ai bắt đầu học tiếng Anh cũng tiếp xúc với ngữ pháp trước. Khi chuyển qua EE sẽ không tránh khỏi tình trạng trong đầu hiện ra một đống ngữ pháp: tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia?… Nhất là đầu óc con người ta rất hay đặt ra câu hỏi vì sao. Phải hiểu tại sao nó như vậy mới chịu tin. Vấn đề này khá là đau đầu. Bạn khó có thể giũ hết ngữ pháp sau ngần ấy năm học. Mình nhiều lúc gặp câu lạ thì khi nào cũng vậy. Nên với mình cách tốt nhất là bạn nghe thật nhiều: một là nghe câu đó thật nhiều cho thuộc luôn; hai là nghe thật nhiều tiếng Anh, sẽ có lúc bạn gặp cấu trúc nào đó ở đâu đó khác. Theo mình nghe nhiều như vậy thì nó sẽ đi vào đầu mình rồi thành vô thức luôn, vậy thì mình sẽ bớt thắc mắc. Giống 1+1=2 vậy. Đó là cách mình đang áp dụng thử, tại trình độ mình cũng không phải là cao siêu. Các bạn có cách nào thì chia sẻ cho mình với.

 

  • Quy tắc 3: học bằng tai, không học bằng mắt

Không có gì bàn cãi nữa. Nhưng theo mình nếu bạn có thể vừa nghe vừa xem bằng mắt các hình ảnh minh họa hoặc các đoạn video clip thì còn gì bằng.

 

  • Quy tắc 4: Học sâu.

Cái này quá chuẩn. Các bạn có thể sẽ dễ ngán khi phải nghe quá nhiều lần một bài. Nhưng các bạn có thay đổi hình thức học như là kết hợp vận động với nghe tiếng Anh ( có thể vừa đi vừa tưởng tượng mình đang thuyết trình tiếng Anh với mọi người chẳng hạn, nên đứng trước gương vì trông vậy hấp dẫn hơn), bắt chước giọng nhân vật hay bài nào thấy hay thì học thuộc luôn cũng được. Bạn sẽ hối hận nếu học ẩu. Bạn sẽ quên hết những gì đã học và bắt đầu lại từ đầu. “Đừng tin vào trí nhớ của bạn”. Khi bạn đã học sâu rồi thì mọi thứ sẽ đi vào vô thức. Đừng nghĩ chứa nhiều quá là nổ não nhé ?

 

  • Quy tắc 6: Học tiếng Anh “real”

Từ “real” này chả biết dịch sao cho hay nên để vậy. Điều này sẽ giúp bạn với tiếng Anh mà người bản địa dùng hơn, nhất là cảm thấy hứng thú hơn, không còn các đoạn hội thoại giả tạo nữa. Sau này mình sẽ chia sẻ các nguồn tiếng Anh mà mình tìm được.

 

  • Quy tắc 5&7:

Làm theo những gì thầy nói. Nghe thật kĩ. Trả lời câu hỏi và thuật lại câu chuyện. Nó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quy tắc 4 nếu bạn chỉ bị động nghe thôi.

 

  • Khác

Kinh nghiệm tiếp theo là học MS và POV. Nếu học đúng cách thì vô cùng là hiệu quả. Hồi đó là hè, rảnh rỗi nên mình hay lấy xe đạp chạy dòng dòng, coi như là tập thể dục luôn, ngày cỡ một tiếng. Vừa vận động nhẹ vừa nghe tiếng Anh. Nghe xong quyết tâm không nghe nhạc mà tự thuật lại câu chuyện. Kết hợp hai thứ đó thì vô cùng là hiệu quả. Rồi vô học, ít thời gian hơn, chỉ ngồi một chỗ nghe thôi, do lười, bảo mệt. Nhưng thật sự ngồi một chỗ, không vận động còn mệt hơn. Nếu bí quá rồi thì các bạn vừa bật tiếng Anh, vừa đi lại dòng dòng, khua chân múa tay, vừa diễn tả theo câu chuyện, miệng nhẩm câu trả lời. Sau đó đứng trước gương thuật lại câu chuyện, có thể tưởng tượng mình là MC truyền hình chẳng hạn, vừa kể chuyện vừa biểu cảm, gọi là dùng ngôn ngữ cơ thể ấy. Dùng việc này cho POV thì rất hiệu quả. Hiệu quả của việc vừa vận động vừa nghe tiếng Anh ư? Tới giờ gần 2 năm mà mình vẫn nhớ được hết mấy câu chuyện thầy kể, lâu lâu đi ngoài được bất giác tự nhẩm lại :D. Nhưng theo mình thì các bạn chú ý là khi nghe tiếng Anh, nhịp điệu nó khá nhẹ nhàng, thì nên vận động nhẹ nhàng cùng nhịp điệu với nó. Chứ mình vừa chạy bộ vừa nghe tiếng Anh, thú thật là rất nản. Vừa lười chạy vừa lười nghe. Với việc chạy hay tập gym hay những việc cường độ cao hơn, thì nghe nhạc mạnh mới kích thích sự luyện tập hơn. Nên mình cũng hay vừa làm việc nhà vừa nghe nhạc là vậy đó.

Có một số lưu ý ở đây. Ví dụ như level 3 của khóa 1 chẳng hạn, nếu phần bài đọc khó quá thì nghe qua cho biết thôi, dồn tâm sức vào MS, POV. Vậy sẽ đỡ nản hơn. Còn khóa 2 thì mình chắc chỉ nghe bài đọc thôi, vứt luôn mấy phần kia, chỉ tập trung ôn lại MS và POV của khóa 1 và 4 thôi. Mình cũng từng nghĩ là sao mày dễ bỏ cuộc vậy, thấy khó rồi thôi. Nhưng giờ mình có một lý do để biện bạch rồi: AJ có bảo là chỉ học những nguồn tiếng Anh đơn giản và hứng thú, có nghĩa mình phải thích nói mới học được. Khóa 2 mình sẽ cày phần audio :)). Không phải khó quá mà bỏ cuộc mà là tìm ra con đường khác :D.

 

Tổng kết lại:

Không có gì là hoàn hảo cả. Chắc chắn cũng không có phương pháp nào là nhẹ nhàng, dễ dàng, vui vẻ, tốn ít sức lực là bạn có thể nói như người bản xứ. “Effortless English” có nghĩa là bạn phải dành công sức ra để học, sau đó bạn sẽ không cần nỗ lực nhiều khi nói nữa (VD như không cần dịch ngữ pháp chẳng hạn).

Nhưng sau tất cả, thì theo mình đối với việc gì cũng vậy thôi, AJ cũng có nói như vậy, thì cảm xúc chính là thứ quyết định. Có một cảm xúc tốt, một tinh thần kiên định, một quyết tâm mãnh liệt, một lòng say mê học tập sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn. Giống như mình, sau nhiều năm thích tiếng Anh, giờ đã chuyển sang đam mê tiếng Anh. Nên gần như mình nghe hoài mà không chán, không mệt. Cũng nhờ vậy mà mình tìm ra nhược điểm để khắc phục, tìm ra cách phù hợp hơn để học. Nhưng động lực cũng là thứ dễ xẹp nhất, cho dù đối với thứ bạn đam mê.

Hi vọng bài chia sẻ của mình sẽ giúp các bạn có thêm động lực để học tiếng Anh thành công!

Thân ái,

Hoài Thương

(Nguồn bài viết được đăng trên Blog: https://hoaithuongbr.wordpress.com/2015/07/31/kinh-nghiem-hoc-effortless-english-cua-minh/ 

Nếu bạn cần thêm thông tin về chương trình hay cần hỗ trợ tư vấn phương pháp học Effortless English thì có thể liên hệ với cộng đồng theo thông tin sau: 

LEARNING EFFORTLESS ENGLISH COMMUNITY

  • Website: LearningEffortlessEnglish.Com | EffortlessEnglishSystem.Com
  • Địa chỉ: 33 Mai Thị Lựu, Phường Đakao, Quận 1, Hồ Chí Minh, Việt Nam 
  • Hotline (Zalo): 0935296986
  • E-mail: effortlessenglishclub.edu@gmail.com